16 chữ "đắt hơn vàng" của cao tăng về 4 cái KHÔNG trong cuộc đời có thể thay đổi vận mệnh của bạn

Thứ Hai, 09/12/2019 15:42 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) 16 chữ đắt giá của cao tăng về 4 cái KHÔNG như cô đọng tất cả những thứ con người cần phải học trong cuộc đời. Chỉ cần bạn ghi nhớ, dù có gặp phải bế tắc đến đâu cũng có thể dễ dàng vượt qua.
 
Một người gặp nhiều muộn phiền trong cuộc sống nhưng không biết làm thế nào để tháo gỡ. Ngày nọ, người này quyết định đi đến cửa chùa dâng hương bái Phật để cầu xin bình an trong lòng cũng như hy vọng Đức Phật hiển linh giúp anh ta gỡ được mọi khúc mắc trong cuộc sống.
 
Người này đến từ rất sớm. Lúc đó trong chùa chỉ có lác đác vài người du khách đi dâng hương sớm. Khi đi đến một gian thờ ở chính điện, anh ta trông thất một vị cao tăng đang nghiêm trang tụng kinh nên cũng kính cần đứng chắp tay bái lễ từ ngoài cửa.
 
Qua hồi lâu, tiếng tụng kinh dừng lại, vị cao tăng đi ra. Trông thấy vẻ mặt người này mang đầy tâm sự, vị cao tăng đó liền mời anh ta đi vào uống chén trà.
 
Dù đã đến cửa chùa linh thiêng, lại ngồi trước mặt cao tăng, người này vẫn cảm thấy lòng nặng trĩu, yên lặng hồi lâu không nói gì.
 
Vì cao tăng thấy vậy liền cười hiền từ lên tiếng: "Anh là đệ tử thường xuyên tới bái lễ trước mặt Phật Tổ, nếu vẫn còn tâm sự trong lòng chưa được giải tỏa, không ngại thì cứ nói ra?"
 
Người đàn ông đó trả lời, thật ra những muộn phiền của mình cũng chẳng phải chuyện gì to tát. Anh sống rất chân thành với mọi người, luôn nhiệt tình giúp đỡ tất cả, chẳng bao giờ so đo được mất, đối xử với bạn bè đều rất hết mình. Nhưng cũng chính vì tính cách đó mà thường rất dễ chịu thiệt.
 
Anh thường vì cái tính cả nể mà không ít lần bị bạn bè lợi dụng. Hầu hết anh đều chẹp miệng cho qua vì coi họ là anh em bạn bè, song cứ thế nhiều lần lại khiến anh khó mà không suy nghĩ trong lòng.
 
Anh cảm thấy vô cùng do dự, không biết có nên thay đổi thái độ hay từ chối lời đề nghị "giúp đỡ" của những người bạn đó hay không, Nếu tiếp tục giúp, anh thấy không cam lòng; mà từ chối, tình bạn bao nhiêu năm có lẽ sẽ chấm dứt từ đây.
 
Vị cao tăng nghe xong chỉ cười, nói rằng những chuyện này đều là do nhân  - quả, đều do tâm tính được - mất của con người, "Nếu anh vẫn không tìm ra câu trả lời cho những vấn đề của mình, hãy ghi nhớ 16 chữ này, chúng sẽ giúp anh thoát khỏi muộn phiền đang che mờ mắt."
 
Dưới đây chính là 16 chữ đắt giá của cao tăng về 4 cái KHÔNG trong cuộc đời như cô đọng cả đời người, giúp bạn vượt qua được hết thảy bế tắc của nhân sinh.

 

1. Giữ lòng không loạn

 
Người xưa dạy rằng: Học Phật một năm, Phật ở ngay trước mắt; học Phật hai năm, Phật ở chính điện; học Phật ba năm, Phật ở chân trời.
 
Có nghĩa là, bất cứ ai học theo giáo pháp nhà Phật đều có tâm hướng Phật ngay từ đầu. Mục đích học tập chính là để tìm kiếm con đường giải thoát những vướng bận trong lòng, để sống một cuộc đời bình an và nhẹ nhõm.
 
Trong quá trình tu hành, đệ tử Phật gia cũng phải liên tục đối chiếu theo giáp pháp của Phật pháp để uốn nắn hành vi sai trái của mình. Bởi vì dù là người trí huệ như đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng phải trải qua con đường khổ nạn, cuối cùng mới tu viên mãn.
 
Cao tăng nói rằng, học bất cứ thứ gì cũng phải giữ được cái đích ban đầu mà mình đề ra. Cho dù là với người hay với việc, điều đầu tiên bạn phải ghi nhớ trong 16 chữ đắt giá của cao tăng về 4 cái KHÔNG chính là "giữ lòng không loạn" khi đối mặt với mọi thứ. 
 
Bạn phải tự hiểu ban đầu bạn quen người này hay làm việc này là để làm gì. Đó chính là "sơ tâm" (mục đích ban đầu, cái tâm ban đầu) của bạn và sẽ không bao giờ thay đổi.
 
Mọi sự trên đời đều là thế, chỉ cần bạn giữ được cái tâm bình ổn, dù thời thế có biến động ra sao cũng không bị loạn thì sẽ loại bỏ được hết thảy cám dỗ và những muộn phiền quấn thân. Hãy nhớ bình thản vượt khó khăn, thẳng tiến trên đường đời.

Dù người khác có ra sao, chúng ta cũng chỉ cần làm tốt bổn phận của bản thân là được. Mặc kệ người đời có nói gì, ta chỉ cần nhận thức được việc làm của bản thân mình mới là đúng đắn.
 
Cuộc sống là của chúng ta, không cần phải vì lấy sự yêu thích của người khác mà tồn tại. Chúng ta là tự do tự tại, không cần phải đòi hỏi ai yêu thích mình, cứ vui vẻ mà bước về phía trước, mặt hướng về trời xanh.
 
Chỉ cần bạn hiểu được những điều này, mọi gông xiềng rào cản bước chân bạn đều đã bị phá bỏ, bạn có thể tự do mà hít thở.
 
Nhiều người cho rằng kiên trì sẽ giúp ta trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng sau khi trưởng thành mới nhận ra rằng, buông bỏ mới giúp chúng ta mạnh mẽ hơn. Cuộc đời vốn đã quá nhiều phiền não, nhưng không phải những điều ta lo lắng hầu hết đều chưa từng xảy ra hay sao?
 
Hãy nhớ rằng, buông không có nghĩa là bỏ cuộc, cố chấp không đồng nghĩa với kiên trì.
 
Sống bình thản, giữ cái tâm không lonaj cũng chính là một loại tu dưỡng, một loại cảnh giới, một tâm thái ẩn chứa nội hàm sâu sắc để người ta dù trong gian khổ nhưng vẫn có thể thong dong tự tại. Sống bình thản hơn một chút, bạn sẽ hạnh phúc thêm vài phần.

Xem thêm: 5 chữ vàng giúp bạn bình yên trong cuộc sống

 

2. Không lụy vì tình

 
Con người ta mỗi khi phát hiện ra mình bị lừa gạt, bị lợi dụng đều sẽ rơi vào trạng thái sa sút và hoang mang vì tổn thương. Có người thể hiện ra bằng cách tức giận, than phiền, ủ rũ hoặc là phá hủy tất cả.
 
Cao tăng nói rằng, sở dĩ con người rơi vào hoang mang, là bởi vì để cảm tính choáng hết tâm trí. Nếu như có thể tỉnh táo, dùng lý trí để đối mặt thì sẽ chẳng bao giờ rơi vào tình huống đó.
 
Cao tăng kể một câu chuyện rằng:
 
Tiểu hòa thượng đi theo sư phụ xuống núi hóa duyên. Khi đi tới bờ sông, thấy có một cô gái cũng đang định qua sông, thấy hai thầy trò đến gần, người đó lên tiếng nhờ trợ giúp.
 
Tiểu hòa thượng thấy nếu giúp thì sẽ phạm sắc giới, đang định từ chối thì thấy sư phụ đã cõng cô gái lên lưng.
 
Sau khi qua được sông, hai thầy trò lại tiếp tục lên đường đi về phía trước. Lúc này, tiểu hòa thượng mới lên tiếng hỏi sư phụ: "Sư phụ, chúng ta thân là người xuất gia, sao người có thể cõng phụ nữ qua sông chứ?"
 
Sư phụ cười đáp: "Thầy cõng cô ấy qua sông là đã buông xuống rồi, nhưng sao con cõng đến bây giờ vẫn chưa chịu buông thế?"
 
Trong cuộc sống, có rất nhiều người phạm phải sai lầm giống như chú tiểu trong câu chuyện trên, tức là bị chính chấp niệm của mình làm khó mà quên đi mất ý nghĩa thật sự của sự tình. 
 
Mỗi một nhân - quả trên đời này đều xuất phát từ suy nghĩ rắc rối của con người mà ra.
 
Thiện tâm sẽ được thiện báo, ác tâm gặp ác báo. Là thiện hay là ác, chính bản thân bạn tự đi nghiệm chứng mới biết được. Bởi khi đã nghiệm chứng được rồi, bạn mới có thể tín phục, mới có thể tin vào Phật pháp, từ đó mới dốc lòng tu hành.
 
Điều thứ 2 trong 16 chữ quý giá của cao tăng "không lụy vì tình" chính là như vậy. Đọc ngay 3 câu chuyện của thiền sư để thấu tỏ nguyên nhân gây ra mọi phiền não trong cuộc sống

 

3. Không sợ tương lai

 
Cao tăng nói tiếp rằng, con người ta vốn dĩ ai cũng đều có thể được sống một cuộc đời an vui nhẹ nhàng, trừ phi là tự mình làm khổ mình. Đau khổ từ đâu mà ra. chính là do so đo và dục vọng.
 
Cái tâm so đo, tính toán và dục vọng tham lam không điểm dừng giống như 2 bàn tay vô hình đẩy con người rơi vào tình trạng bôn ba suốt cuộc đời nhưng lại không hiểu rõ rốt cuộc thứ mình cần là gì. 
 
Ai cũng đều có lòng cố chấp, cố chấp đến mức hoang tưởng về những việc mình biết rõ là không thể được.
 
Vốn dĩ có thể sống an yên, nhưng lại cứ muốn khiến nếm trải đau khổ. Có những tổn thương là người khác gây ra cho bạn, nhưng cũng có những vết thương do bạn tự gây ra cho chính mình.
 
Có rất nhiều thời điểm chúng ta tự mình dày vò mình. Hiện tại đau khổ không có nghĩa tương lai của bạn cũng là một mớ hỗn độn đau thương như vậy. Đừng sợ tương lai khi mà chính bạn còn chưa biết phía trước là những gì, là tốt hay xấu, là phúc hay họa?
 
Tu Phật là để cầu viên mãn, mục đích của cuộc sống là đi tìm hạnh phúc. Nếu đã như vậy, đừng để cuộc sống của mình phụ thuộc vào bất cứ ai. Mọi kết quả, đều đã được định đoạt vào lúc ta bắt tay vào làm rồi.

Điều bạn cần phải làm là hãy sống thiện, sống không hổ thẹn với tâm, để mỗi ngày trôi qua đều là một ngày ý nghĩa mà không phải lo sợ vào tương lai mù mịt phía trước.

Đừng bỏ lỡ: Đời người có 4 NỖI SỢ LỚN NHẤT: Sợ để biết trân quý cuộc sống

 

4. Không vương quá khứ

 
Bạn có biết chân lý mà Đức Phật Thích Ca đã giác ngộ là gì? Đó chính là "nhân duyên".
 
Nhân duyên chính là mối quan hệ tương tác của bạn với những người khác. Đó có thể là quan hệ tình cảm, quan hệ làm ăn, quan hệ thù ghét, tranh đoạt, thiện ác...
 
Hiểu được nhân duyên, bạn sẽ ngộ ra được những điều thăng trầm trong vận mệnh của chúng sinh giữa thế gian, duyên đến duyên đi, mọi thứ đã được an bài.
 
Kiếp này bạn gặp ai, gặp phải chuyện gì, người tốt hay là người xấu, chuyện tốt hay là chuyện xấu đều có số mệnh sắp đặt. Có chuyện là tích lũy từ kiếp trước, cũng có chuyện là nhờ tu vi của kiếp này.
 
Tất cả nhân duyên đều là mối quan hệ cộng sinh, nhân quả; tất cả mọi việc đều là "có nhân có duyên" (duyên sinh ra đều có nguyên nhân của nó).
 
Lá xanh trên cây không phải chỉ một ngày đã đổi vàng, mà do nó trải qua sự tàn phá của gió mưa, sương nắng mới dần thay đổi màu sắc.
 
Lòng người không phải phút chốc đã nguội lạnh, mà do đã phải trải qua rất nhiều tổn thương và thát vọng mới chậm rãi đánh mất sự ấm nóng ban đầu.
 
Vậy nên mọi lừa dối và tổn thương đối với mỗi người đều giống như một dấu vết khó phai đóng chặt vào con tim chúng ta. Xem ngay: Buông 10 điều để cuộc sống an nhàn thêm 10 phần.
 
Thế nhưng, không thể chỉ vì những dấu vết đó mà phủ nhận tương lai tươi sáng đang chờ đón trước mắt. Buông bỏ quá khứ, vứt bỏ những thứ khiến ta đau khổ thì mới có thể đón nhận ngày mai đẹp đẽ hơn.
 
Cũng giống như sự sinh và diệt của nhân duyên trong Phật pháp, nó sẽ sinh ra và mất đi tùy vào mỗi không gian và khoảng thời gian khác nhau mà không hề bị ép buộc, cũng chẳng dừng lại chờ bạn.
 
Quá khứ cuối cùng vẫn chỉ là những thứ đã trôi qua, tựa như cơn gió đã thổi qua hay cơn mưa đã trút xuống, đến rồi cũng đều là chuyện đã xảy ra, hà tất phải lưu luyến mãi trong lòng không chịu buông bỏ.
 
"Giữ lòng không loạn, không lụy vì tình, không sợ tương lai, không vương quá khứ" chính là 16 chữ đắt giá của cao tăng về 4 cái KHÔNG mà bạn nên ghi nhớ để có thể đối mặt với cuộc đời vốn đầy rẫy muộn phiền này. 
 
Dù chỉ là những lời giáo huấn rất ngắn ngủi nhưng lại cất chứa rất nhiều bài học cuộc sống giúp cho con người cởi bỏ được những khúc mắc trong lòng, cũng là để tiến tới gần hơn với trí huệ của Phật gia.

Lam Lam