Ngày, giờ tốt hay xấu, tốt - xấu đối với việc gì là tùy thuộc vào tính chất của các ngôi sao ngự trị trái đất trong ngày, giờ đó. Có những ngôi sao có sẵn trong thiên văn học cổ đại, nhưng cũng có nhiều ngôi sao ước lệ, tùy theo tính chất và quy luật vận hành mà đặt tên.
Trong thuật chiêm tinh, chúng có tên chung là Thần Sát. Theo chu kỳ vận hành, có ba loại Thần Sát:- Niên Thần Sát: vận hành theo chu kỳ năm.- Nguyệt thần sát: vận hành theo chu kỳ tháng.
- Nhật thần sát: xuất hiện theo giờ trong ngày.
Người xưa hình dung mỗi ngôi sao trên bầu trời do một vị thần cai quản dưới sự điều khiển chung của ông Trời. Về tính chất các sao, tùy từng việc mà có mức độ tốt - xấu khác nhau và về cơ bản có thể chia ra làm hai loại: cát tinh (sao tốt) và hung tinh (sao xấu). Trong thiên văn học cổ đại không có sao tốt, sao xấu, vậy căn cứ vào đâu thuật chiêm tinh quy định sao tốt hay sao xấu? Cơ sở triết học là Kinh Dịch, là thuyết “Thiên nhân tương ứng” (mối quan hệ giữa Trời và Đất và con người, giữa con người và vạn vật trong vũ trụ), là luật Âm dương Ngũ hành xung hợp, sinh khắc, chế hoá lẫn nhau. Thêm vào đó là tín niệm tôn giáo: Mọi họa phúc trên đời đều do một lực siêu nhiên có uy quyền sắp xếp. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng thuật chiêm tinh không hoàn toàn lệ thuộc vào số phận mà luôn phát huy tính chủ thể của con người.
(Theo Thời Gian)