Vào những ngày Tết, người lớn thường tặng cho trẻ con một khoản tiền nho nhỏ, bỏ trong phong bao màu đỏ in hoa văn rất đẹp, tượng trưng cho may mắn và tài lộc, gọi là tiền mừng tuổi.
Theo truyện dân gian Trung Quốc, ngày xưa ở Đông Hải có một cây đào to, là nơi trú ngụ của rất nhiều yêu quái. Ngày thường, các thần tiên ở hạ giới canh giữ cây nên lũ yêu quái không thể ra ngoài làm hại con người được. Tuy nhiên, tới đêm Giao Thừa, khi tất cả thần tiên đều phải lên trời thì cũng là lúc lũ yêu quái đó được dịp thoát ra ngoài, trong số đó có một loại yêu quái gọi là con Tuy. Đêm Giao Thừa, nó thường làm hại trẻ con bằng cách xoa vào đứa trẻ đang ngủ, khiến trẻ giật mình, khóc thét lên và sau đó có thể sẽ bị bệnh sốt cao hoặc ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu tinh hại con mình.
Bao lì xì |
Một lần, có mấy vị tiên đi ngang nhà kia, hóa thành những đồng tiền nằm bên cạnh đứa trẻ. Cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền ấy vào vải đỏ. Khi con Tuy đến, những đồng tiền lóe sáng, khiến yêu tinh sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này lan truyền, rồi cứ Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con. Tiền đó được gọi là tiền mừng tuổi.
Theo truyền thuyết khác, tục tặng tiền mừng tuổi bắt nguồn từ hoàng cung nhà Đường (Trung Quốc). Năm đó, Dương Quý Phi sinh hạ hoàng tử. Được tin mừng, Đường Huyền Tôn đích thân đến thăm và ban cho nàng một số vàng bạc gói trong giấy đỏ. Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng, vừa là chiếc bùa vua Đường ban tặng con trẻ để trừ tà. Việc này được đồn ra ngoài, từ cung đình lan rộng ra dân gian, nhiều người bắt chước tặng tiền mừng và cũng bắt đầu coi như tặng món lộc trừ tai họa, mang lại nhiều điều may mắn cho trẻ con.
Theo những nghiên cứu khác, tục mừng tuổi ở Trung Quốc đã có từ đời Tần. Vào thời gian đó, người ta dùng sợi chỉ đỏ để xâu tiền thành một xâu theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở chân giường hoặc cạnh gối trẻ em. Xâu tiền đó gọi là tiền Áp Tuế giống như cách gọi của người Trung Quốc ngày nay, có nghĩa là món tiền mừng cho đứa trẻ, với mong ước đứa trẻ được tiền, được lộc có thể vượt qua tuổi đó với những điều tốt lành và may mắn.
Xưa kia, ở Trung Quốc, tiền mừng tuổi thường là một vòng đỏ xâu 100 cắc tiền đồng, biểu hiện cho lời chúc sống lâu trăm tuổi. Ngày nay, tiền mừng tuổi đầu năm còn có ý nghĩa tượng trưng cho sức khỏe, may mắn, thành đạt và được cho vào phong bao bằng giấy đỏ hoặc vải nhung đỏ, có hình trang trí mang nghĩa cát tường, hạnh phúc và những câu chúc an lành, phát đạt như “Hòa gia bình an”, “Kim ngọc mãn đường”, “Vạn sự như ý”… Vì vậy, tặng tiền Áp Tuế còn được gọi là tặng Hồng Bao.
Từ lì xì trong tiếng Việt, sử dụng phổ biến ở miền Nam, được cho là có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc, là cách đọc trại của từ “lợi thị” hoặc “lợi sự” (phát âm theo giọng Quan Thoại là li shi, theo giọng Quảng Đông là lì xì, lầy xì), có nghĩa gốc là một món đồ hay món tiền mang đến lợi lộc, vận tốt, vận may. Tặng lì xì là tặng món tiền thể hiện điều lành và may mắn cho đứa trẻ.
Ở Việt Nam, lì xì vốn chỉ là những đồng tiền xu bỏ trong phong bao giấy hồng điều hoặc trang trí vàng son bắt mắt mà người lớn tặng cho trẻ con để chúng có cái rủng rẻng trong những ngày Tết vì tiếng cười của trẻ con có thể xua đuổi điều xấu. Vì vậy lì xì cũng có ý nghĩa cầu may, cầu phúc trong năm mới.
Theo tục lệ ở một số địa phương, người nhỏ tuổi không lì xì người lớn hơn vì vừa không đúng ý nghĩa vừa bị cho là “hỗn”. Tuy nhiên, ngày nay, quan niệm về tục lì xì đã cởi mở hơn, đặc biệt những người nhỏ tuổi nhưng đã lập gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà, để chúc tụng may mắn, sức khỏe, bình an.
(Theo Thanhnien)