Quê hương là chốn gắn bó thân thiết với mỗi con người. Đó không chỉ là nơi chúng ta sinh ra, lớn lên mà còn là điểm nuôi dưỡng tâm hồn ta. Lấy địa danh mình sinh ra để đặt tên là hướng lựa chọn hay. Nó vừa phản ánh quan niệm luân lý truyền thống, vừa thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng của từng cá nhân. Có nhiều phương pháp lựa chọn địa danh để đặt tên, dưới đây là một vài cách thức đặt tên chính:
Đặt tên theo địa danh |
- Đặt tên theo nơi sinh: Mỗi người sinh ra trên một mảnh đất khác nhau. Người thì chốn địa đầu tổ quốc (Hà Giang), người thì sinh ra nơi đất mũi (Cà Mau), rồi các tỉnh duyên hải miền Trung... đâu đâu cũng có những tên đẹp, tên hay để mọi người lựa chọn. Thường thường, người ta lấy tên thôn, xã hay huyện để đặt tên. Một số tên mang đậm dấu ấn địa phương như: Hà Giang, Phú Xuyên, Tam Thanh, Nhật Lệ, Tiền Hải, Mỹ Lộc, Liên Hà, Hoài Đan, Đan Phượng, Hồng Ngư, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Kim Sơn, Hà Trung, Ngọc Hồi...
- Đặt tên theo nguyên quán: Khi sinh ra và lớn lên, nhiều người thay đổi nơi sinh sống. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ thường lấy tên nguyên quán để đặt cho con với ý niệm tưởng nhớ về quê nhà. Đó cũng là tên địa danh cách tỉnh thành của nước ta như: Hưng Yên, Nam Định, Khánh Hòa, Phan Thiết, Hà Tĩnh, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn Tây, Kiên Giang, Cần Thơ, Nha Trang...
- Đặt tên theo cách lồng ghép địa danh: Những trường hợp cha mẹ khác quê hay sinh con không ở nguyên quán, họ thường lồng ghép tên bởi 2 địa danh. Ví dụ như, quê cha ở Phú Thọ, quê mẹ ở Ninh Bình sẽ đặt tên con là Phú Ninh. Tương tự, một số tên gọi hay được lồng ghép như: Hà Tuyên (Hà Giang - Tuyên Quang), Phú Bình (Phú Thọ - Ninh Bình), Phúc Giang (Vĩnh Phúc - Hà Giang), Hà Trang (Hà Tĩnh - Nha Trang), Hải Định (Hải Phòng - Nam Định), Thái La (Thái Bình - Sơn La)...
Theo Tìm hiểu khoa học về tên gọi